HƯỚNG DẪN NGƯỜI BỆNH SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN
Thuốc có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh. Thuốc dùng để điều trị bệnh hay hỗ trợ nâng cao thể trạng đều có những nguyên tắc sử dụng để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất. Nếu không nắm rõ được nguyên tắc cơ bản khi dùng thuốc, người bệnh có thể dùng sai làm giảm hiệu quả điều trị , thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để uống thuốc an toàn, chúng ta cần chú ý 5 nguyên tắc quan trọng sau đây:
1/ Đúng liều dùng
Đúng liều dùng ở đây có nghĩa là thuốc phải được dùng theo đúng số lượng bác sĩ chỉ định.
Việc dùng thuốc không đúng liều có 2 trường hợp: dùng không đủ liều và dùng quá liều dùng. Cả 2 trường hợp này đều dẫn đến hậu quả không tốt.
Ví dụ, sử dụng kháng sinh không đủ liều có thể dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, kháng thuốc. Có trường hợp trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh, thấy hơi đỡ tự ý ngưng thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng tái phát bệnh.
Còn dùng thuốc quá liều sẽ gây tác hại cho chính sức khỏe của người dùng thuốc, thậm chí có thể gây tử vong.
Với hầu hết các thuốc, nếu dùng đúng liều thì đó là thuốc chữa bệnh, còn nếu dùng quá liều đó lại là độc chất.
2/ Đúng bệnh
Không nên dùng thuốc theo toa của người khác, hoặc theo mách bảo của người khác. Dùng thuốc bắt chước theo toa kê bệnh của người khác có thể rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bởi vì bệnh trạng mỗi người mỗi khác. Bác sĩ dựa trên thăm khám, xét nghiêm, chẩn đoán mới quyết định loại thuốc kê đơn với liều dùng phù hợp với thể trạng của từng người. Vì vậy không nên uống thuốc theo mách bảo, vì tưởng rằng bệnh của họ cũng giống như bệnh của mình.
3/ Đúng thuốc
Nhiều thuốc có hình dạng, tên gọi giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn.
Đặc biệt ở người cao tuổi, phải uống nhiều loại thuốc cùng lúc, nhầm lẫn thuốc càng dễ xảy ra. Nhiều trường hợp ngộ độc thuốc phải đi cấp cứu cũng chỉ vì uống nhầm loại thuốc. Vì vậy, cần để ý, ghi nhớ loại thuốc mình đang uống, hình dạng viên thuốc và viên thuốc đó có màu gì? Thuốc nên được đựng trong chai lọ có nhãn để tránh nhầm lẫn với các thuốc khác. Trước khi uống nên kiểm tra lại thuốc trên toa với thuốc thực tế về tên thuốc, liều dùng, cách dùng. Uống đúng thuốc mới khỏi được bệnh.
4/ Đúng lúc
Việc uống thuốc đúng thời gian rất quan trọng để đảm bảo thuốc có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng bất lợi nhất. Thuốc có thể được uống vào lúc trước ăn, sau ăn hoặc trong khi ăn. Vì mỗi loại thuốc có bản chất khác nhau nên không có quy luật chung về uống thuốc vào lúc nào cho tất cả các loại thuốc. Khi đi khám bệnh được kê đơn thuốc, bác sĩ thường căn dặn bệnh nhân điều này, bệnh nhân cần tuân thủ để thuốc phát huy tối đa hiệu quả. Người bệnh cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng xem thời điểm uống thuốc đó vào lúc nào.
Ví dụ: Hướng dẫn sử dụng thuốc ghi rõ “ngày uống 3 lần, uống trước khi ăn”, tức là 1 ngày 24 giờ chia ra làm 3, cứ 8 tiếng lại uống 1 lần. Nếu uống cả vào ban ngày thì sẽ làm cho nồng độ thuốc trong máu tăng cao, có thể gây nguy hiểm, mà buổi đêm lại không đạt được hiệu quả điều trị.
Còn “uống trước khi ăn tức là khi uống thuốc phải để trống dạ dày (uống trước bữa ăn từ 1 - 2giờ) . Còn “uống sau khi ăn” tức là phải uống thuốc khi đã ăn no.
Nếu lỡ quên uống thuốc thì không nên uống bù thuốc. Điều này rất có hại vì làm cho nồng độ thuốc trong máu tại thời điểm uống thuốc tăng cao, gây nguy hiểm.
Với bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc, đặc biệt là ở người cao tuổi, mắc nhiều bệnh, nếu uống nhiều thuốc cùng một lúc rất dễ gây ra các tương tác bất lợi. Vì vậy, cần hỏi kỹ bác sĩ về thời điểm dùng các loại thuốc và bệnh nhân cần tuân thủ.
5/ Đúng cách
Tùy loại, thuốc phải được sử dụng cho đúng cách. Nếu là thuốc viên nén, cần uống thuốc nguyên viên với nước đun sôi để nguội. Một số bệnh nhân dùng ít nước hoặc thậm chí là không dùng nước để uống thuốc mà nuốt khan viên thuốc. Với cách này, thuốc có thể bị vướng, mắc ở thực quản gây tổn thương thực quản. Mặt khác, do không có đủ nước để làm tan thuốc, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi trong cơ thể. Đối với dạng viên nén sủi bọt thì cần hòa tan thuốc hoàn toàn trong nước (pha đúng lượng nước trong tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ) và uống hết. Cách đúng nhất là dùng thuốc với nước lọc ấm. Sữa, nước hoa quả, trà, côca, cà phê, rượu... đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại.
Ngoài ra còn có loại thuốc phải ngậm dưới lưỡi hoặc có thuốc để hít, để xịt vào mũi hay để dùng bôi ngoài da, để nhỏ vào mắt, để tiêm... chúng ta đều cần phải lưu ý để sử dụng đúng cách.
Không được nằm uống thuốc - Với tư thế này, thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc.
Uống thuốc xong không nên vận động ngay. Thường phải sau 30-60 phút thì dạ dày mới hấp thụ hết và thuốc mới phát huy tác dụng. Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.
Kết luận: Khi chúng ta có bệnh cần gặp bác sĩ để được thăm khám và được hướng dẫn sử dụng thuốc kỹ càng. Về nhà chúng ta cần tuân thủ tuyệt đối “5 đúng” giúp dùng thuốc hiệu quả và an toàn, mau khỏi bệnh.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe Đời sống