XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
Xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở mọi động mạch thuộc bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng nghiêm trọng nhất khi gây tắc nghẽn hoạt động cung cấp máu cho các cơ quan trọng yếu trong cơ thể như não, tim, thận, …
1. Xơ vữa động mạch là gì?
Động mạch là những mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể; lớp tế bào mỏng trong cùng gọi là nội mạc giúp cho máu lưu thông dễ dàng qua các động mạch. Khi lớp nội mạc bị tổn thương do các yếu tố nguy cơ như người bệnh có hút thuốc hoặc có lipid trong máu cao, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… đã tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch.
Xơ vữa động mạch xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được hình thành từ các chất béo, cholesterol, calci và các chất khác tích tụ trong thành động mạch. Theo thời gian, các mảng bám xơ cứng lại, thu hẹp lỗ mở của động mạch và hạn chế lưu lượng máu. Khi những mảng chất béo này vỡ ra sẽ hình thành một cục huyết khối (cục máu đông) gây tắc nghẽn hơn nữa hoặc thậm chí chặn dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan và bộ phận khác trong cơ thể.
Nếu như huyết khối xảy ra ở một trong hai động mạch vành chính cung cấp máu cho tim, điều này dẫn đến nhồi máu cơ tim; Nếu xảy ra ở một trong những động mạch đến não sẽ gây đột quỵ; và nếu xảy ra trong các động mạch ở các chi có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên…
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là một quá trình phức tạp, thường bắt đầu từ thời thơ ấu và tiến triển theo tuổi. Trong khi nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ, chứng xơ vữa động mạch có thể bắt đầu từ tổn thương lớp bên trong của động mạch và có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh đái tháo đường, ít vận động thể lực, hút thuốc lá, stress, ngưng thở khi ngủ.
3. Triệu chứng và biến chứng thường gặp
Xơ vữa động mạch thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi ở giai đoạn nặng. Lúc này tình trạng hẹp động mạch nặng khiến lưu lượng máu bị gián đoạn, không thể vận chuyển đến các cơ quan và mô. Bệnh tim mạch cũng vì thế mà phát triển. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị vỡ và hình thành cục máu đông thì sẽ gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ. Các triệu chứng trải qua trong quá trình xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng tùy thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng.
Biến chứng thường gặp do xơ vữa động mạch : nhồi máu cơ tim, đột quị, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, tắc mạch chi dưới gây hoại tử chi, phình động mạch
4. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Xơ vữa động mạch rất phổ biến. Những người có sức khỏe tốt trên 40 tuổi nói chung có khoảng 50% nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch nghiêm trọng và nguy cơ này tăng dần theo tuổi tác. Hầu hết những người trên 60 tuổi đều có thể gặp tình trạng xơ vữa động mạch nhưng thường không có các triệu chứng đáng chú ý. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân cơ bản của bệnh tim mạch cũng như yếu tố nguy cơ gây đau tim và đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh.Do đó những người ở độ tuổi từ 40-74 hoặc có các yếu tố nguy cơ dưới đây nên đi khám sức khỏe 1-2 lần/năm, thực hiện kiểm tra tầm soát nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch, như:
- Thừa cân – béo phì
- Hút thuốc lá hoặc từng hút thuốc
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
- Huyết áp cao
- Rối loạn mỡ máu
Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám, hỏi tiền sử bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng, bao gồm:
- Điện tâm đồ viết tắt là ECG, là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Thông qua đọc điện tim, ta có thể biết được khả năng tống máu của tim, biết được nhịp điệu và tốc độ của tim.
- Siêu âm Doppler: Phương pháp này nhằm đánh giá lưu lượng máu, xác định tình trạng thu hẹp của các mạch máu ở bụng, cổ hoặc chân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT scan) : là kỹ thuật kết hợp máy tính và tia X để tạo ra hình ảnh các cơ quan, xương và các mô của cơ thể theo lát cắt ngang. Những hình ảnh này cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh Xquang thông thường. Chúng có thể hiển thị các mô mềm, mạch máu và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể như đầu, vai, xương sống, tim, bụng, đầu gối, ngực…
- Đánh giá chỉ số cổ chân – cánh tay và vận tôc song xung: Đây là phương pháp so sánh các phép đo huyết áp ở cổ chân và ở cánh tay giúp xác định bất kỳ sự co thắt nào trong lưu lượng máu từ đó phát hiện sớm tình trạng xơ vữa mạch máu. Ưu điểm của kỹ thuật này là:
+ Hình thức đo tại tứ chi cùng một lúc nên tiết kiệm được thời gian
+ Độ chính xác cao
+ Sau khi đo kết quả sẽ được tự động phân loại cho các mục lựa chọn như xác định chỉ số huyết áp tại tay – chân , sự khác biệt huyết áp tại bệnh trái – phải của cơ thể
Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc đã triển khai thực hiện tầm soát sớm bệnh xơ vữa mạch máu trên máy chẩn đoán xơ vữa mạch máu bằng phương pháp không xâm lấn VP-1000 plus của hãng Omron, Nhật bản.