SỐT - CÁCH CHĂM SÓC SỐT HỢP LÝ
Sốt là gì?
Sốt là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý (khác với tăng sinh nhiệt sinh lý) do tác dụng của các tác nhân làm rối loạn hoạt động của trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt của cơ thể phải tăng đến một điểm định nhiệt mới. Cơ chế tăng thân nhiệt có thể bao gồm tình trạng tăng sinh nhiệt (gây ớn lạnh hay lạnh run) và cả sự giảm thải nhiệt (gây co mạch ngoại vi biểu hiện là da tái nhợt, nổi da gà).
Vị trí đo thân nhiệt có độ chính xác cao là ở miệng và trực tràng, Để biết một người có sốt hay không, cặp nhiệt kế là cách nhanh nhất, hiệu quả và chính xác nhất. Cặp nhiệt ở nách cần cộng thêm khoảng 0,5 độ C vì đây là nhiệt độ ngoại vi, nếu đo nhiệt độ ở hậu môn thì không cần cộng thêm nhưng vì nhiệt ở hậu môn hơi bất tiện nên ít được sử dụng
Nhiệt độ của cơ thể bình thường dao động từ 36 cho tới 37 độ tùy vào thời điểm được đo trong ngày. Thường thấp hơn vào buổi sáng và cao hơn vào buổi trưa – chiều.
Nếu nhiệt kế đo được mức nhiệt là 37 độ có sốt không? Câu trả lời là không, vì nếu đo ở miệng vào lúc sáng sớm thì phải lớn hơn 37,2 độ C. Nhiệt kế 38 độ có thể nghĩ bạn đã bị sốt.
Sốt 38 độ đến 39 độ thì được định nghĩa là mức độ vừa. Vậy sốt bao nhiêu độ là cao? Sốt cao được định nghĩa khi thân nhiệt cơ thể từ 39 độ đến 40 độ, trên mức này là tình trạng bị sốt rất cao.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc hằng ngày tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân sốt, có rất nhiều nguyên nhân gây nên sốt, và sốt cũng là triệu chứng rất quen thuộc với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cách chăm sóc hợp lý thì vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ.
Chúng ta có thể phân loại sốt thành 3 mức độ sau để tiện cho việc chăm sóc:
1. Sốt nhẹ: 37,5 - 38 độ C:
- Cần nới rộng quần áo, mặc đồ thoáng mát, nằm nghỉ nơi thoáng mát.
- Ở ngưỡng này chúng ta không cần dùng thuốc hạ sốt, các biện pháp vật lý như lau mát tích cực có tác dụng hạ nhiệt rất tốt.
- Hướng dẫn lau mát: Nhúng khăn sạch vào chậu nước ấm sờ tay vào cảm giác ấm ấm là được, (tránh nóng quá gây bỏng da) rồi vắt khô và lau toàn thân cho người sốt, lau liên tục ở nách và bẹn sẽ giúp hạ nhiệt tốt hơn, không đắp khăn lên trán và ngực vì không có tác dụng hạ sốt, ngược lại đắp khăn lâu ở ngực còn dễ gây viêm phổi. Thời gian mỗi lần lau khoảng 15-30 phút.
- Ngoài ra cần uống nhiều nước để bổ sung lượng nước mất do sốt, uống theo nhu cầu cơ thể. Một số loại nước bù điện giải tốt như oresol, nước khoáng lạt,… hoặc nước cam nước chanh giúp dễ uống hơn.
2. Sốt vừa: 38 - < 39 độ C:
- Sốt trên 38,5 độ C thì cần uống thuốc hạ sốt. Có một số lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt như sau:
+ Dùng thuốc cách nhau 4-6 tiếng, không uống quá dày vì thuốc gây hại cho gan.
+ Đối vớ trẻ em ( dưới 12 tuổi): cần tính liều lượng chính xác theo cân nặng cho trẻ. Và cũng uống cách nhau 4-6 tiếng.
- Ngoài uống thuốc thì lau mát tích cực kết hợp uống nhiều nước như nêu trên có hiệu quả hạ sốt rất tốt.
3. Sốt cao: Từ 39 độ C trở lên:
- Ở ngưỡng này, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân, ngoài việc lau mát, dùng thuốc hạ sốt và bù đủ nước cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây sốt để điều trị kịp thời.
- Khi sốt cao, cơ thể sẽ có thêm các biểu hiện rét run, ớn lạnh và có xu hướng muốn đắp chăn mền, không nên ủ mền và mặc quần áo dày, cần phải nới rộng rãi và thoáng mát để cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng hơn.
- Ngoài ra, sốt cao sẽ làm đau đầu, cơ thể mệt mỏi vật vã, đây là những dấu hiệu hay gặp khi sốt cao.
- Khi tăng 1 độ, chuyển hóa cơ thể cũng tăng khoảng 10% do vậy, ngoài vấn đề hạ sốt, điều trị nguyên nhân, dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng; cần ăn uống bổ sung thịt cá, các chất giàu năng lượng để cung cấp năng lượng cho cơ thể trong giai đoạn sốt, dù đắng miệng và khó ăn. Nên chế biến thức ăn hợp khẩu vị người bệnh.
Sốt là triệu chứng hay gặp, hy vọng một số cách chăm sóc cơ bản trên đây có thể giúp ích phần nào cho mọi người trong chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, Khi đo nhiệt kế thấy tăng hơn mức bình thường cần đưa người bệnh đi khám bệnh để tìm nguyên nhân và điều trị.