Tâm Phúc

Bệnh viện đa khoa

Tâm Phúc 82A Ngô Sĩ Liên, P. Đức Thắng,
Tp. Phan Thiết, T. Bình Thuận
Tâm Phúc Sáng 7:00 - 11:30
Chiều 13:30 - 17:00
Danh mục

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, song không bao giờ bỏ rơi người Bình Thuận

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, song không bao giờ bỏ rơi người Bình Thuận
19/07/2021 450 lượt xem

BTO- Chiều 15/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã có văn bản 2612/KGVXNV chỉ đạo tăng cường kiểm soát, quản lý người nơi có dịch đến tỉnh Bình Thuận, theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.  

Trong đó có việc từ 0 giờ ngày 16/7, sẽ không tiếp nhận người đến, về từ những địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Riêng các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, vận chuyển nguyên vật liệu cho sản xuất, lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác, thực thi công vụ và những trường hợp có thỏa thuận giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành phố, thì sẽ được phép diễn ra bình thường.

Nội dung văn bản trên thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16. Theo đó, cách ly xã hội sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…Việc tự ý di chuyển về Bình Thuận không có sự cho phép và giám sát của cơ quan chức năng là vi phạm Chỉ thị 16.

Thế nhưng ngay sau đó trên mạng xã hội và một số tài khoản Facebook đã có nhiều bình luận xuyên tạc và đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với những người con “tha hương cầu thực” đang gặp khó khăn mong chờ hỗ trợ, thì lại bỏ rơi.

Để rộng đường dư luận, Báo Bình Thuận xin nêu lại một số vấn đề mang tính nguyên tắc của Chỉ thị 16 và phương án tiếp nhận, quản lý, chăm lo người Bình Thuận về từ vùng bị cách ly theo Chỉ thị 16 để bạn đọc được rõ.

Thứ nhất, việc thực hiện Chỉ thị 16 đến nay vẫn chưa thật sự nghiêm túc và triệt để, do vậy tỉnh ta và các tỉnh khác đã bùng phát dịch khi quá nhiều ca nhiễm từ các vùng dịch trở về. Do vậy việc UBND tỉnh đưa ra các biện pháp để thực hiện nghiêm túc hơn, triệt để hơn là thực sự cần thiết trong thời điểm này.

Thứ hai, việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP. Hồ Chí Minh hay bất kỳ địa phương nào, được xem là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đây là điều Chính phủ và mọi người dân chúng ta không mong muốn. Bởi TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nơi mưu sinh của hàng triệu người, trong đó có người dân Bình Thuận. Thế nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng người nhiễm lớn của TP. Hồ Chí Minh tỏa đi các tỉnh, dẫn đến có thể lây lan trên diện rộng ra nhiều tỉnh, làm tình hình dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… những ngày gần đây có số ca nhiễm bùng phát mạnh theo cấp số nhân, cũng chính từ nguyên nhân người đến và về từ TP. Hồ Chí Minh trước đó. Vì vậy, chủ trương thực hiện Chỉ thị 16 đối với TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là rất đúng và kịp thời của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, thực hiện cách ly xã hội ở TP. Hồ Chí Minh là vậy, thế nhưng những ngày qua, hàng ngày vẫn có trên dưới 2.000 người đi từ vùng dịch về tỉnh ta qua chốt kiểm dịch trên quốc lộ 55, xã Thắng Hải và chốt trên quốc lộ 1A thuộc xã Tân Đức (Hàm Tân), trong đó phần lớn là từ TP. Hồ Chí Minh di chuyển bằng xe máy. Đây chính là nguồn nguy cơ dễ dẫn đến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng đối với tỉnh ta từ số người về từ những vùng có dịch. Ngoài TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh giáp ranh Bình Thuận như: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận dù chưa áp dụng Chỉ thị 16, nhưng dịch tại các địa phương này đang bùng phát rất mạnh, với số ca nhiễm tăng lên từng ngày, nguy cơ lan sang tỉnh ta là rất lớn.

Thứ tư, ngoài diễn biến dịch phức tạp ở bên ngoài, hiện nay trong tỉnh ta tình hình cũng diễn biến hết sức phức tạp. Hiện toàn tỉnh đã có 45 ca nhiễm, và thêm 6 ca nghi nhiễm đang chờ Bộ Y tế công bố. Ngoại trừ các huyện Bắc Bình, Đức Linh và Phú Quý, các địa phương trong tỉnh đều có ca nhiễm Covid – 19 trong cộng đồng, đặc biệt là thị xã La Gi, với 24 ca nhiễm và 6 ca nghi nhiễm. Lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là lực lượng y tế đang dồn toàn lực, căng mình ngày đêm truy vết, nhưng hiện dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, nguy cơ F0 còn bên ngoài cộng đồng là rất lớn.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng việc ban hành Công văn 2612/KGVXNV ngày 15/7/2021 về tăng cường kiểm soát, quản lý người từ vùng có dịch về theo Chỉ thị 16, được cho là giải pháp kịp thời, đúng đắn tại thời điểm này đối với tỉnh ta.

Có thể thấy rằng, trong điều kiện nguồn nhân lực, vật lực y tế của tỉnh còn nhiều khó khăn và hạn chế, nếu như cùng một thời điểm, ca nhiễm bùng phát số lượng lớn thì sẽ rất dễ dẫn đến mất kiểm soát dịch bệnh.

Việc một số tài khoản Facebook đưa ý kiến Bình Thuận bỏ rơi những người con “tha hương cầu thực” đang gặp khó khăn mong chờ hỗ trợ là hoàn toàn bịa đặt, vì UBND tỉnh đã xây dựng phương án tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, chữa trị (nếu nhiễm bệnh) với những trường hợp có thỏa thuận giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành phố. Song việc đón người Bình Thuận trở về phải được tổ chức, quản lý chặt chẽ theo quy định phòng chống dịch, không thể để người dân tự ý trở về, vừa vi phạm Chỉ thị 16, vừa gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng khi người trở về đã nhiễm bệnh. Chứ lãnh đạo tỉnh chưa bao giờ chủ trương bỏ rơi người dân Bình Thuận đang khó khăn trong vùng dịch.

Vì vậy qua bài viết này, chúng tôi mong rằng mọi người dân Bình Thuận đang sinh sống cả trong và ngoài tỉnh hãy cùng cảm thông, đồng tâm hiệp lực và sẻ chia khó khăn với địa phương lúc này, để chúng ta cùng chung tay phòng chống dịch đạt hiệu quả.

Theo nguồn báo Bình thuận.
Bài viết cùng chuyên mục
Top